PHÂN TÍCH NHU CẦU SỬ DỤNG XE ĐẦU KÉO MŨI DÀI VÀ XE ĐẦU KÉO NGẮN TẠI THỊ TRƯỜNG VIỆT NAM

PHÂN TÍCH NHU CẦU SỬ DỤNG XE ĐẦU KÉO MŨI DÀI VÀ XE ĐẦU KÉO NGẮN TẠI THỊ TRƯỜNG VIỆT NAM

Cùng với tốc độ phát triển ngày càng nhanh của nền kinh tế Thế giới, xe đầu kéo ngày càng thể hiện hết vai trò của nó và trở thành phương tiện cơ giới vận chuyển đường bộ quan trọng. Xe đầu kéo có lịch sử lâu đời hơn hầu hết mọi người vẫn nghĩ, từ năm 1898, Alexander Winton là người đã phát minh ra chiếc xe đầu tiên ở Cleveland, Ohio, Mỹ. Xe đầu kéo có thể vận chuyển nhiều hàng hóa, chở được những vật cồng kềnh và trọng lượng lớn như container thông qua những rơ mooc, thùng xe nối kèm. Tùy theo nhu cầu vận chuyển và các quy định khác ở từng khu vực mà xe đầu kéo mũi dài và xe đầu kéo ngắn sẽ được chọn lựa để sử dụng. Vậy sự khác biệt giữa chúng là gì?

I. Khác biệt cơ bản của xe đầu kéo mũi dài so với xe đầu kéo ngắn

Xe đầu kéo mũi dài là xe đầu kéo có phần cabin nằm phía sau động cơ, phần đầu xe sẽ được kéo dài để đặt toàn bộ động cơ tại đây nên có tên gọi là đầu kéo mũi dài. Xe đầu kéo mũi dài được sử dụng rộng rãi ở Mỹ nên thường có tên gọi phổ biến là xe đầu kéo Mỹ. Xe đầu kéo ngắn là xe đầu kéo có phần cabin nằm phía trên động cơ, đầu xe có dạng hình hộp chữ nhật, phẳng và toàn bộ động cơ được đặt ở dưới cabin. Xe đầu kéo ngắn được sử dụng ở hầu hết các nước Châu Âu như Tây Ban Nha, Thụy Điển, Đức, Phần Lan, …

Xe đầu kéo

Ảnh minh họa xe đầu kéo Mỹ và xe đầu kéo ngắn Châu Âu – (Nguồn: Internet)

Về diện tích cabin, cabin của xe đầu kéo mũi dài được cho là một nơi đáng sống. Vì cabin được thiết kế riêng biệt nên có diện tích lớn và được trang bị đầy đủ các nội thất cơ bản cho tài xế như 2 giường ngủ, cửa sổ, tivi, tủ đựng quần áo, tủ lạnh, lò vi sóng, thậm chí một vài dòng xe còn trang bị toilet ngay trên carbin xe. Đối với xe đầu kéo ngắn, phần cabin được đặt phía trên động cơ nên diện tích sử dụng sẽ bị thu hẹp, do đó nội thất được trang bị cơ bản và tối giản với 1 giường ngủ tích hợp ngăn đựng quần áo và bàn ăn nhỏ. Có thể thấy, đầu kéo mũi dài là một lựa chọn lý tưởng cho tài xế để đảm bảo chất lượng cuộc sống khi vận hành xe đường dài.

Về chiều dài, xe đầu kéo ngắn bắt buộc có chiều dài cả phần đầu kéo và hàng hóa được kéo phía sau thường không được quá 18,75m (61 feet) do quy định nghiêm ngặt của Châu Âu về chiều dài xe cơ giới. Cũng vì quy định này mà thiết kế của xe đầu kéo phải đặt cabin trên động cơ để tiết kiệm tối đa chiều dài của xe kéo phía trước nhằm tăng thêm chiều dài của hàng hóa được kéo phía sau. Ngược lại, các quy định tương tự đã được gỡ bỏ vào năm 1986 tại Mỹ, phần đầu xe không bị giới hạn về chiều dài nên các phương tiện cơ giới được thiết kế dài hơn đáng kể, từ đó xe đầu kéo mũi dài trở nên phổ biến ở Mỹ.

xe đầu kéo

Ảnh so sánh chiều dài của xe đầu kéo Mỹ so với xe đầu kéo ngắn Châu Âu – (Nguồn: Internet) 

Về tốc độ, tại Châu Âu xe đầu kéo có mooc kéo phía sau bị giới hạn ở 90km/h trong khi ở Mỹ, xe đầu kéo có thể lưu thông với tốc độ lên đến 137 km/h. Tính khí động học được cải thiện và chiều dài cơ sở dài hơn có thể tạo ra sự khác biệt lớn về tốc độ.

Về vấn đề tiêu thụ nhiên liệu, nếu so sánh hai chiếc xe đầu kéo này khi có cùng hệ số truyền động và cùng kéo một lượng hàng hóa như nhau thì chiếc đầu kéo mũi dài sẽ tiết kiệm nhiên liệu hơn so với đầu kéo ngắn.

 Về việc bảo trì và sửa chữa, do động cơ của xe đầu kéo mũi dài được đặt ở một khoang riêng biệt phía trước cabin nên dễ dàng tiếp cận và sửa chữa khi có hư hỏng.

Mặc dù thiết kế tinh gọn và tối giản hơn, song đầu kéo ngắn lại gây khó khăn cho công tác bảo trì, sửa chữa khi có động cơ đặt dưới cabin.

Về khả năng lưu thông, xe đầu kéo Mỹ có phần mũi dài phía trước, cabin và ghế lái bị đẩy ra sau do đó tầm nhìn của người lái xe bị hạn chế đáng kể. Do đó, loại xe này chỉ có thể di chuyển trên các tuyến đường cao tốc và trên làn đường dành riêng cho xe đầu kéo. Đối với xe đầu kéo ngắn có cabin được đặt trên động cơ thì đầu xe có có dạng hình vuông nên góc nhìn của người lái xe bao quát và rộng hơn nên nó có thể lưu thông trong đô thị cùng với các loại xe cơ giới khác một cách linh hoạt hoặc thậm chí có thể di chuyển ở những nơi không gian nhỏ hẹp.

Với sự khác nhau đặc thù về cấu tạo dẫn đến mỗi loại đầu kéo đều có những ưu điểm và bất lợi riêng, song lại luôn đáp ứng nhu cầu của từng đối tượng sử dụng ở từng quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau. Vậy nguyên nhân do đâu tạo nên sự khác biệt ấy?

Thứ nhất, sở dĩ có những khác biệt này là do thói quen vận chuyển khác nhau. Ở Mỹ, người ta có xu hướng mua xe và tự mình lái xe để chở hàng. Phần lớn những người này sở hữu xe của riêng họ và dành hàng tháng trời để đi và ở luôn trong xe đầu kéo. Do đó, nhu cầu về sự thoải mái và tiện lợi bên trong khoang cabin được chú trọng. Ngược lại ở Châu Âu thói quen của các chủ xe tải cải tạo thêm diện tích sinh hoạt bên trong xe thường không phổ biến nên họ dễ dàng chấp nhận không gian nhỏ hẹp của đầu kéo ngắn.

Thứ hai, sự khác biệt còn xuất phát từ những quy định nghiêm ngặt về độ dài, thời gian lái xe và tốc độ giới hạn của xe đầu kéo ở từng quốc gia khác nhau. Nhu cầu tăng diện tích cabin của người dân Mỹ được hiện thực hóa do chính sách giới hạn chiều dài của đầu kéo được gỡ bỏ năm 1986, từ đó tạo ra loại xe đầu kéo mũi dài với không gian thoải mái và tiện lợi, thay thế một cách nhanh chóng xe đầu kéo ngắn tại Mỹ.

Thứ ba, cơ sở hạ tầng khác biệt cũng ảnh hưởng đến việc sử dụng xe đầu kéo mũi dài hay xe đầu kéo ngắn. Tính đặc thù về chiều dài và tốc độ đòi hỏi cơ sở hạ tầng phải phù hợp để xe đầu kéo mũi dài có thể vận hành tốt nhất. Cơ sở hạ tầng ở Mỹ rất hiện đại và phát triển với những tuyến đường dài và thẳng tắp, việc phân chia làn đường ở Mỹ cũng diễn ra rất quy củ và nề nếp từ đó khắc phục được nhược điểm của xe đầu kéo mũi dài. Ngược lại, thiết kế của xe đầu kéo ngắn lại rất phù hợp với các tuyến đường nhỏ hẹp hơn ở Châu Âu và khiến chúng linh hoạt di chuyển trong đô thị với các phương tiện cơ giới khác.

Tóm lại, chúng ta không thể so sánh đầu kéo mũi dài với đầu kéo ngắn xem loại đầu kéo nào tốt nhất mà còn tùy thuộc vào mục đích sử dụng của chủ xe và quốc gia mà nó được sử dụng sao cho đảm bảo trung hòa được lợi ích của chủ xe và tuân thủ các chính sách nghiêm ngặt về chiều dài, tốc độ, thời gian lái xe, …

II. Nhu cầu sử dụng xe đầu kéo mũi dài và xe đầu kéo ngắn tại Việt Nam

Tại Việt Nam, do nền kinh tế mới nổi với sự xê dịch từ nền kinh tế nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ nên nhu cầu sử dụng xe đầu kéo tăng nhanh vài thập niên trở lại đây. Chúng ta dễ dàng bắt gặp những chiếc xe đầu kéo ở hầu hết các tỉnh thành tại Việt Nam. Xe đầu kéo mũi dài và xe đầu kéo ngắn được sử dụng một cách linh hoạt tại Việt Nam để phù hợp với cơ sở hạ tầng về giao thông đường bộ phát triển chưa đồng đều như hiện nay:

 Xe đầu kéo mũi dài được sử dụng phổ biến ở các thành phố lớn – nơi tập trung các khu công nghiệp, khu chế xuất lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng… Đầu kéo mũi dài được sử dụng để vận chuyển nguyên vật liệu, bán thành phẩm đến nhà máy và vận chuyển thành phẩm đến nơi tiêu thụ hoặc cảng biến phục vụ cho công tác xuất khẩu. Xe đầu kéo mũi dài còn được sử dụng để lưu thông hàng hóa cho cả nước chuyên tuyến Bắc – Nam trên các quốc lộ lớn nơi đáp ứng được cơ sở hạ tầng và quan trọng hơn hết là đảm bảo an toàn giao thông đường bộ do tầm nhìn của tài xế xe đầu kéo mũi dài có nhiều điểm mù dẫn đến nguy hiểm trong việc di chuyển cùng các phương tiện giao thông khác.

 Xe đầu kéo ngắn được sử dụng nhiều hơn ở các tỉnh thành có nền công nghiệp vừa và nhỏ, nơi có hệ thống giao thông chưa phát triển với các tuyến đường địa phương nhỏ hẹp, địa hình không bằng phẳng. Với lợi thế có tầm nhìn bao quát hơn và ít điểm mù hơn so với đầu kéo mũi dài, đầu kéo ngắn linh hoạt hơn trong vận tải đường bộ tại Việt Nam. Tại các thành phố lớn cũng có sự xuất hiện của xe đầu kéo ngắn bỡi nó đóng vai trò làm trung gian luân chuyển và được sử dụng trong các tuyến đường nội thành.

Trên thị trường nước ta hiện nay thì các thương hiệu xe đầu kéo được ưa chuộng nhất bao gồm: đầu kéo Hyundai, đầu kéo Mỹ, đầu kéo Daewoo, đầu kéo Isuzu và cuối cùng là đầu kéo Hino. Đầu kéo ngắn của Hyundai và đầu kéo dài Mỹ thường được nhập khẩu về Việt Nam dưới dạng đã qua sử dụng từ thị trường Châu Âu và Mỹ, còn lại sẽ được nhập mới chính thức từ thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, …

Nhìn chung, xe đầu kéo ngắn được sử dụng phổ biến hơn ở nước ta bởi các lý do sau:

Sự phát triển không đồng đều của cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ là nhân tố chính yếu đầu tiên. Hiện Việt Nam chỉ mới có 93 tuyến quốc lộ với tổng chiều dài 18.650 km, chiếm 7,23% trên tổng số mạng lưới đường bộ toàn quốc (Số liệu được cấp nhật tới tháng 06/2022), còn lại là tỉnh lộ và các tuyến đường địa phương nhỏ hẹp, địa hình không bằng phẳng. Mặc dù có nhiều ưu điểm về mặt tải trọng, tiết kiệm nhiên liệu song đầu kéo mũi dài lại chỉ có thể sử dụng ở Việt Nam với các khu vực nhất định.

Địa hình Việt Nam chiếm tới 2/3 là đồi núi, gồ ghề hiểm trở và nhiều đèo, dốc nên chiều dài cơ sở của xe đầu kéo mũi dài là một cản trở lớn gây nguy hiểm cho cả lái xe và phương tiện giao thông khác. Mặc khác, với chiều dài cơ sở ngắn hơn giúp xe đầu kéo ngắn thuận lợi di chuyển và khắc phục khó khăn về mặt địa hình.

Mạng lưới giao thông trong các cảng biển tại Việt Nam chưa thực sự phát triển: Ngoài các cảng nước sâu phục vụ việc xuất nhập khẩu hàng hóa quốc tế như cảng Cái Mép (Vũng Tàu), cảng Hải Phòng… có lưu lượng xe ra vào cảng lớn và được sự ưu tiên phát triển từ Chính phủ nên mạng lưới giao thông tại Cảng mới có sự phát triển đáng kể. Còn lại đa số các cảng biển ở Việt Nam là cảng nước nông phục vụ vận tải trong nước và các xà lang quốc tể tải trọng nhẹ, mạng lưới giao thông trong cảng còn đơn sơ. Xe đầu kéo ngắn sẽ dễ dàng di chuyển trong mạng lưới giao thông này hơn do đó được ưu tiên sử dụng.

Phần lớn xe đầu kéo tại Việt Nam đều được nhập khẩu dưới dạng đã qua sử dụng tại thị trường Châu Âu và Mỹ để tiết kiệm chi phí. Xe đầu kéo Mỹ được nhập về có số km thường lớn hơn 20.000 tuy nhiên giá thành lại rất cao, khi có hư hỏng cần sửa chữa cũng rất khó tìm được phụ tùng phù hợp. Xe đầu kéo ngắn được nhập từ thị trường Châu Âu về chủ yếu của các hãng đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc… các hãng xe này đồng thời xuất khẩu xe mới 100% sang thị trường Việt Nam cộng với khoảng cách về mặt địa lý không xa, thuận tiện nhập khẩu phụ tùng chính hãng để bảo trì sửa chữa.

Ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do và các thỏa thuận kinh tế khu vực: Cùng với sự phát triển của các quan hệ song phương và đa phương giữa Việt Nam và các nước trong khu vực, việc mua và sử dụng xe đầu kéo ngắn đến từ thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc được hưởng rất nhiều ưu đãi về thuế quan và các khoản phí hỗ trợ khác khiến cho xe đầu kéo ngắn có mặt tại Việt Nam với số lượng lớn.

Thị trường Việt Nam là một thị trường tiềm năng và sẽ phát triển hơn nữa trong tương lai. Với nhiều thương hiệu xe đầu kéo xuất hiện tại thị trường Việt Nam vô hình chung tạo ra một cuộc cạnh tranh về chất lượng và giá thành, giúp cho người tiêu dùng Việt có thể lựa chọn sản phẩm mình ưng ý với một mức giá vô cùng phù hợp. Nắm rõ các đặc điểm của thị trường giúp cho các hãng xe đầu kéo dễ dàng khai thác tối đa lợi nhuận từ thị trường này.

Như vậy, với những chia sẻ hữu ích trên của Tân Thanh Container chắc chắn sẽ giúp rất nhiều bạn đọc có thêm hiểu biết về các loại xe đầu kéo phổ biến trên thị trường Việt Nam. Để biết thêm nhiều kiến thức hữu ích khác, hãy tiếp tục theo dõi mục Kiến thức - Tin tức của chúng tôi để được cập nhật những thông tin mới nhất nhé!

Thông tin liên hệ 

CÔNG TY CỔ PHẦN THƯƠNG MẠI CƠ KHÍ TÂN THANH

Địa chỉ: Số 14, Đường số 15, KP 4, P. Linh Trung, TP. Thủ Đức, TP. HCM

Số điện thoại: 0968 039 939

Email: info@tanthanhcontainer.com 

phone
zalo
facebook