Cắt bỏ 11.000 dòng thuế quan trong khuôn khổ Hiệp định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương
Ngày 23/5 tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã phối hợp cùng Bộ Công thương, Ủy ban Quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế tổ chức hội thảo “Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)".
Hiệp định TPP là một đàm phán thương mại tự do (FTA) giữa 9 nước hai bên bờ Thái Bình Dương gồm: Úc, New Zealand, Brunei, Singapore, Việt Nam, Malaysia, Peru, Chile và Hoa Kỳ.
Tháng 11/2011 một bản khung đàm phán sơ bộ được nguyên thủ 9 nước thành viên công bố bao gồm các cam kết về lĩnh vực thương mại và phi thương mại như: cạnh tranh, môi trường mua sắm chính phủ, sở hữu trí tuệ, hải quan, thương mại điện tử, thương mại hàng hóa,… Về thương mại hàng hóa, lộ trình cắt bỏ khoảng 11.000 dòng thuế, trong đó có những mặt hàng mà Việt Nam đang XK vào Hoa Kỳ như thủy sản, dệt may, giày da,… sẽ giảm dần, tiến tới bãi bỏ hoàn toàn. Điều đó mang lại lợi thế cạnh tranh lớn cho DN Việt Nam so với DN nước khác.
Hội thảo lần này đã đưa ra hai khuyến nghị chính sách của Cộng đồng Doanh nghiệp Việt Nam về phương án Đàm phán hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương – Chương sở hữu trí tuệ trong dược phẩm và Chương lao động và giải quyết lao động. Khác với thế bị động khi đàm phán gia nhập WTO, ở Hiệp định này, Việt Nam chủ động và có tiếng nói riêng dựa vào nhu cầu thực tế. Vì vậy, việc đưa ra các cam kết, các vấn đề có liên quan đến lợi ích cộng đồng phải được cân nhắc một cách thận trọng và kiên quyết.
Mặt khác, sau TPP, Việt Nam đang dự định tham gia đàm phán nhiều Hiệp định FTA với các đối tác quan trọng như EU, Nga,… Những cam kết trong TPP có thể là một “ràng buộc” cho các cam kết FTA tương lai. Vì vậy, người dân nói chung và cộng đồng DN nói riêng chờ đợi ở các nhà đàm phán Việt Nam thái độ cương quyết, khôn khéo để mang về những thuận lợi cho đất nước.