News ellipse 29/06/2021

TP. Thủ Đức và triển vọng trở thành trung tâm logistics của khu vực

TP. Thủ Đức và triển vọng trở thành trung tâm logistics của khu vực

Tiềm năng Logistics của TP. Thủ Đức thể hiện qua 4 yếu tố: Gần vùng sản xuất và tiêu thụ, quy mô lớn, tính kết nối vùng miền cao...

Tiềm năng phát triển Logistics của TP. Thủ Đức

TP.HCM là cửa ngõ của vùng Đông Nam Bộ - nơi đóng góp hơn 50% GDP cả nước. Trong khi đó, TP.Thủ Đức được ví là “cửa ngõ của cửa ngõ”, là hạt nhân mới trong sự phát triển của TP.HCM nói riêng và vùng kinh tế Đông Nam Bộ nói chung cả về nguồn lực cảng biển, tiềm năng thu hút đầu tư và phát triển trung tâm Logistics cũng như khả năng kết nối cao đến các tỉnh thành trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Các chuyên gia cũng nhận định, thành phố mới này có thế mạnh nổi trội và đặc biệt thuận lợi để phát triển ngành hậu cần Logistics bằng cách kết nối luồng vận chuyển đa phương thức, bao gồm cảng biển (cụm cảng Cát Lái - Phú Hữu); đường sắt, đường bộ (cảng ICD Long Bình, Bến xe miền Đông mới) và đường thủy nội địa.

TP. Thủ Đức có khả năng kết nối cao với vùng kinh tế động lực của vùng Đông Nam Bộ như: Đồng Nai, Bình Dương, Vũng Tàu,… kết nối với sân bay Long Thành (Đồng Nai) và cảng Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu). Ngoài ra, khu vực này còn được đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống giao thông để thuận lợi kết nối, hợp tác phát triển kinh tế với các địa phương lân cận như: tuyến Metro số 1 từ Suối Tiên (quận 9) đến Bến Thành (quận 1), tuyến đường Vành đai 3 (Mỹ Phước - Tân Vạn - Nhơn Trạch), tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Quốc lộ 1A, Quốc lộ 1K, xa lộ Hà Nội và các tuyến giao thông đường thủy trên sông Sài Gòn - sông Đồng Nai.

Tóm lược về tiềm năng Logistics của TP. Thủ Đức, Tiến sĩ Đặng Vũ Thành, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Kho vận miền Nam (Sotrans), thành viên của Tập đoàn ITL đúc kết trong 4 yếu tố: Vừa gần vùng sản xuất, vừa gần vùng tiêu thụ; Quy mô đủ lớn để làm trung tâm Logistics hàng trăm ha; Tính kết nối vùng miền cao và là cửa ngõ quốc gia.

Dự kiến trong tương lai gần, TP. Thủ Đức sẽ đóng góp đến 30% GRDP của TP.HCM và chiếm khoảng 7% GDP cả nước.

Triển vọng trở thành trung tâm Logistics của khu vực

Tiến sĩ Đặng Vũ Thành nhận định TP. Thủ Đức gần như đáp ứng cơ bản các yếu tố để trở thành trung tâm Logistics của vùng và tiến tới là của khu vực. Hiện tại, TP. Thủ Đức có sẵn cảng và hệ thống Logistics để phục vụ công tác xuất nhập khẩu cho một trung tâm kinh tế lớn như TP.HCM.

Về đường hàng không: TP. Thủ Đức sẽ là trung điểm giữa hai sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và sân bay quốc tế Long Thành. Đây được xem là điều kiện lý tưởng để thành lập trung tâm Logistics chuyên dụng hàng không theo quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm Logistics trên cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2015.

Về cảng biển: Trong số 286 cảng biển của Việt Nam, cảng Cát Lái của TP. Thủ Đức hiện là cảng container quốc tế lớn và hiện đại nhất cả nước, lọt top 25 cảng hàng đầu thế giới với thị phần container xuất nhập khẩu chiếm trên 90% khu vực phía Nam và gần 50% thị phần cả nước.

Về cụm cảng ICD: Cụm cảng ICD Trường Thọ rộng 63 ha với 3 mặt giáp sông Sài Gòn là cụm cảng cạn lớn nhất Việt Nam. Cụm này bao gồm 5 cảng nhỏ như: ICD Tracomexco - Trường Thọ, ICD Transimex, ICD Sotrans, ICD Tây Nam - Tanamexco, ICD Phúc Long là trung tâm kết nối hàng hóa với 2 cụm cảng Cát Lái (chuyên đi châu Á) và cụm Cái Mép - Thị Vải (chuyên đi Âu - Mỹ). Sản lượng hàng hóa thông qua các cảng trong cụm Trường Thọ năm 2019 đạt 1,65 triệu teu (tương đương 22,78 triệu tấn). Sản lượng tăng trưởng bình quân từ năm 2015 đến 2019 là 11%. Với mức tăng trưởng bình quân này thì dự kiến đến năm 2025, sản lượng tại cảng lên đến 3,09 triệu teu. Mặc dù cụm cảng này sẽ được di dời theo quy hoạch của thành phố, nhưng trung tâm ICD mới vẫn sẽ được đặt tại TP. Thủ Đức (phường Long Bình, quận 9).

Về trung tâm Logistics: Trong Đề án phát triển ngành Logistics TP.HCM đến năm 2030 vừa được UBND TP phê duyệt, 4/7 trung tâm Logistics sẽ được đặt ở TP. Thủ Đức, đó là các trung tâm Logistics ở Long Bình, cụm Cát Lái - Phú Hữu, Linh Trung và Khu công nghệ cao.

Sau đại dịch Covid-19, theo bảng xếp hạng sức khỏe tài chính của 66 nền kinh tế mới nổi năm 2020, tạp chí The Economist đánh giá Việt Nam đứng thứ 12, thuộc nhóm an toàn sau đại dịch Covid-19 với các chỉ số tài chính ổn định. Đây là thời cơ chuyển mình cho nhiều ngành kinh tế, trong đó có Logistics.

Còn theo SSI Reserch, ngành Logistics Việt Nam năm 2021 kỳ vọng sẽ tăng trưởng nhờ xuất khẩu được hưởng lợi từ tiêu dùng toàn cầu phục hồi, nhu cầu cao từ các dự án sản xuất mới, khả năng tăng giá dịch vụ cảng và các cảng nước sâu tiếp tục là điểm sáng.

Việc mở rộng cảng tại hai khu vực cảng biển nước sâu Cái Mép - Thị Vải và Lạch Huyện sẽ thu hút tàu mẹ cập cảng Việt Nam thay vì các cảng trung chuyển tập trung trong khu vực như Singapore và Hong Kong và tăng tưởng sản lượng sẽ duy trì ở mức cao 20% tại hai khu vực này.

Cảng Cái Mép cũng chính là nơi chuyên xuất khẩu hàng hóa đi các tuyến Châu Mỹ và Châu Âu bằng các hình thức nguyên container và gom hàng lẻ của các doanh nghiệp Logistics.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, để giữ vững vai trò là đầu tàu của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của đất nước, TP.HCM cần phát triển Logistics như nền tảng hạ tầng cho các dịch vụ công nghiệp và cho tổng thể nền kinh tế.

Trong bối cảnh đó, TP. Thủ Đức trở nên đặc biệt quan trọng vì những lợi thế tự nhiên sẵn có và không gian hoạt động Logistics thiên hữu, do đó, cần sự đầu tư để hoàn chỉnh các trung tâm Logistics, hệ thống công nghệ thông tin phục vụ Logistics và đặc biệt chú trọng nâng cao năng lực vận hành của các doanh nghiệp Logistics.

Việc xây dựng một hệ sinh thái hoàn thiện và mang tính “mở” bao gồm chuỗi cung ứng dịch vụ hàng không, vận tải nội địa, hệ thống kho bãi, cảng container và ICD, vận chuyển hàng hóa đường sắt… như Tập đoàn ITL đang thực hiện sẽ vừa giúp nâng cao năng lực vận hành, gia tăng ảnh hưởng của các doanh nghiệp Logistics tại thị trường trong nước và vừa đáp ứng được yêu cầu của các khách hàng, đối tác quốc tế.

Tiến sĩ Đặng Vũ Thành cho rằng đây chính là thời điểm vàng mà nếu chúng ta biết cách tận dụng và kết hợp với tiềm năng Logistics vốn có, TP. Thủ Đức sẽ có cơ hội lớn để thiết lập trung tâm Logistics, đóng góp vào sự phát triển kinh tế của TP.HCM và cả nước.

Nguồn: Baogiaothong

phone
zalo
facebook